Những lễ hội được chờ đón dịp xuân về ở Huế

Thứ Ba, 10/01/2023 10:48
Huế đang đẩy mạnh khai thác các thế mạnh du lịch văn hóa, danh thắng, du lịch tâm linh, thu hút đông đảo du khách tìm đến với Cố đô ngay từ đầu năm 2023.

Đất trời vào xuân, không khí của mùa lễ hội Xuân ở Huế rộn ràng hơn bao giờ hết. Nếu có dịp ghé Huế những ngày đầu Xuân năm mới, đừng bỏ lỡ các lễ hội đặc sắc.

Lễ Thướng Tiêu

Lễ Thướng tiêu, tức lễ dựng cây nêu thường được tổ chức vào ngày 23 tháng Chạp để báo hiệu một năm cũ đã qua, ngày Tết đã tới, đây là một trong những nghi thức của triều đình nhà Nguyễn xưa.

Những năm gần đây lễ hội Thướng tiêu được Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế phục dựng lại, thu hút đông đảo du khách trải nghiệm lễ hội truyền thống của Hoàng cung, có cái nhìn trực quan hơn về không khí đón tết xưa.

Lễ hội bắt đầu từ cửa Hiển Nhơn với nghi thức rước trang trọng, với 10 thanh niên trai tráng mặc trang phục lính thời Nguyễn chỉnh tề, khởi hành trong tiếng nhã nhạc để tiến vào Hoàng cung. Đến Triệu Tổ Miếu, cửa chính của khu vực Thế Miếu sẽ dừng lại tiến hàng dựng nêu. Cây nêu được dựng là những cây tre già cao 15 mét.

 

Ngoài những quan niệm tâm linh của dân gian, lễ dựng nêu của triều Nguyễn còn có mục đich để báo hiệu ngày Tết đã tới. Ảnh: Cổng TTĐT Thừa Thiên Huế

Lễ hội đền Huyền Trân

Lễ hội đền Huyền Trân là một trong những sự kiện văn hóa, lễ hội tiêu biểu của Thừa Thiên Huế chào đón Xuân mới, thường diễn ra đầu tháng Giêng hàng năm, là dịp tưởng nhớ công ơn vua Trần Nhân Tông và công chúa Huyền Trân cùng các vị tiền bối đi trước đã có công dựng nước, mở mang bờ cõi nước nhà.

Thường có nhiều hoạt động tại lễ hội đền Huyền Trân Công Chúa hàng năm như Đại lễ cầu nguyện “Quốc thái dân an”, chương trình “Múa hội hoa đăng”, kết hợp thả cá và phóng sanh chim, cầu mong cho mùa màng tươi tốt, công việc làm ăn của người dân được thuận lợi, mưa thuận gió hòa, mọi thứ bình an, đất nước thịnh vượng thái hòa.

 

Nhiều hoạt động đặc sắc tại lễ hội đền Huyền Trân. Ảnh: Sở du lịch Thừa Thiên Huế

Lễ hội Đu Tiên

Đây là lễ hội truyền thống thường được tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán tại làng Gia Viên, xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Có dịp ghé đến tham dự lễ hội, du khách sẽ được hòa mình vào không gian văn hóa với những nghi lễ truyền thống và các trò chơi dân gian đầy thú vị.

Để tổ chức lễ hội, người ta phải đi tìm những cây tre ngà lớn, có dáng cong, chắc chắn, có các  giá đu, đòn đu và gióng đu được liên kết với nhau bằng các nuột thừng, tre, lạt mây... để người chơi đu bay lên cao vẫn đảm bảo an toàn.

 

Nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc sắc tại lễ hội Đu Tiên lâu nay vẫn được bà con thôn Gia Viên, xã Phong Hiền, huyện Phong Điền gìn giữ. Ảnh: Sở VHTT Thừa Thiên Huế

Lễ tế Xã Tắc

Lễ tế Xã Tắc tại đàn Xã Tắc (phường Thuận Hòa) được xem là một trong những nghi lễ cung đình quan trọng xếp vào hàng “đại tự”, đề cao những giá trị nhân văn, phù hợp với đạo lý của dân tộc Việt Nam. Mục đích lễ tế được tổ chức nhằm cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhân dân no ấm.

Các nghi thức chính trong Lễ tế Xã Tắc gồm: Lễ Thượng hương (dâng hương), Lễ Nghinh thần (rước thần đến dự), Lễ Điện ngọc bạch (dâng ngọc trắng), Lễ Hiến tước (dâng rượu), Lễ Phú tộ (hưởng lộc), Lễ Triệt soạn (hạ cỗ), Lễ Tống thần (đưa tiễn thần), Lễ Tư chúc bạch soạn (đốt chúc văn, ngọc lụa, bài vị). Lễ thường được tổ chức vào cuối tháng 2 âm lịch hàng năm.

 

Lễ hội truyền thống của Huế thu hút du khách. Ảnh: Cổng TTĐT Thừa Thiên Huế

Lễ hội Cầu Ngư

Một lễ hội đặc sắc đầu Xuân năm mới nữa ở Huế phải kể đến là lễ hội Cầu Ngư làng Thai Dương Hạ, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang. Lễ xuất hành ra khơi khởi đầu cho một năm đánh bắt cá này được xem là Lễ hội Cầu Ngư lớn nhất của tỉnh Thừa Thiên Huế, thu hút hàng nghìn người dân và du khách tấp nập về tham dự.

Thường sau phần nghi lễ Cầu Ngư, sẽ là phần hội được đông đảo người dân chờ đón với nhiều màn biểu diễn diễn tái hiện sinh hoạt văn hóa của ngư dân vùng biển, diễn tả những cảnh hoạt động nghề biển trên cạn, dưới nước, cùng hội đua trên phá Tam Giang…

 
Lễ hội có truyền thống hơn 500 năm. Ảnh: UBND huyện Phú Vang
Theo Quỳnh Nga (Lao Động)

Tin khác

Video: Đôi dép không thể thiếu nhau