Thành phố cũng đặt ra mục tiêu sẽ đón khoảng 100.000 lượt khách quốc tế đến bằng tàu biển. Tổng số phương tiện vận chuyển đường thủy phục vụ khách du lịch đến năm 2025 sẽ đạt khoảng 200 ca nô, 100 tàu, thuyền và du thuyền các loại. Doanh thu du lịch đường thuỷ sẽ đạt khoảng 300 tỉ đồng/năm và tăng bình quân khoảng 10% trong những năm tiếp theo.
Đến năm 2030 du lịch đường thủy sẽ trở thành một trong các loại hình, sản phẩm du lịch tạo sự khác biệt của thành phố, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch trên địa bàn.
Nhằm đạt mục tiêu này, thành phố cũng đã có kế hoạch tới năm 2025, sản phẩm du lịch đường thủy sẽ được khai thác trên tất cả các tuyến sông của như sông Sài Gòn, Đồng Nai, Nhà Bè, Soài Rạp, Lòng Tàu…Các công ty du lịch- lữ hành tại TPHCM cũng sẽ liên kết với du lịch một số tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Long An, Bến Tre để xây dựng các sản phẩm du lịch đường thủy. Ngoài ra du lịch thành phố cũng mở rộng, khai thác các chương trình du lịch kết nối từ các cảng biển với các tuyến đường sông.
Ngoài ra, lãnh đạo TPHCM cũng đặt ra nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2023 - 2024 là cải thiện và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đường thủy hiện có bao gồm. Với nhóm các sản phẩm du lịch tầm ngắn và nhóm các sản phẩm tầm trung sẽ được nâng cấp, mở rộng thêm bến bãi, thêm nhiều tour tuyến đáp ứng nhu cầu của du khách, mở rộng thêm các tuyến du lịch tầm xa tới các địa phương khác...
Thành phố sẽ tập trung xây dựng bộ thuyết minh chuẩn về tuyến du lịch đường thủy nhằm cung cấp thêm các dữ liệu về lịch sử, văn hóa, nét đặc trưng về các hệ thống sông, kênh, rạch gắn với các tuyến du lịch đường thủy; xây dựng bản đồ các tuyến du lịch đường thủy, các điểm đến trên tuyến bằng công nghệ GIS.