Thúc đẩy tiềm năng du lịch Quảng Trị

Chủ Nhật, 08/09/2024 19:24
Năm nay tại Quảng Trị đã diễn ra hàng loạt sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch - có ý nghĩa mở hướng đi mới, đặc sắc cho ngành “công nghiệp không khói”.
Cụm di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải - điểm nhấn đặc biệt của Chương trình “Lễ hội vì hòa bình”. Ảnh: Q.Huy

“Lễ hội vì hòa bình” tổ chức vào tháng 7 là sáng kiến mang tính chiến lược của tỉnh Quảng Trị, bao gồm chuỗi hoạt động phong phú dựa trên nền tảng phát huy các giá trị lịch sử trong bối cảnh mới; tạo sức hút kéo du khách về với địa phương.

Đặt nền móng thương hiệu

Trao đổi với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: “Mục tiêu mà Quảng Trị hướng tới là bất cứ lúc nào du khách đặt chân đến cũng sẽ cảm nhận được những cảm xúc đặc biệt. Chúng tôi kỳ vọng đây là một sản phẩm du lịch hoàn toàn mới của Việt Nam, là cái riêng chỉ có ở Quảng Trị, do Quảng Trị khởi xướng và mọi người cùng chung tay kiến tạo nên giá trị”.

Ví dụ như Đà Nẵng có Lễ hội pháo hoa, Huế có festival, Quảng Bình gắn với trải nghiệm thiên nhiên,… đóng vai trò như những “logo nhận diện thương hiệu”. Vậy, Quảng Trị thực sự có gì để làm đầy nội hàm cho khái niệm “sản phẩm du lịch”?

Vẻ đẹp hoang sơ đảo Cồn Cỏ (Ảnh: Khắc Trà)

Rất nhiều chuyên gia kinh tế từng đến Quảng Trị hiến kế đều cho rằng: vị trí địa lý địa phương thực sự là “mỏ vàng” phát triển du lịch. Là điểm đầu của Hành lang kinh tế Đông - Tây, kết nối với các nước trong khu vực Đông Nam Á qua 2 cửa khẩu quốc tế là La Lay và Lao Bảo. Đồng thời có các đầu mối giao thông đến các tỉnh, thành khu vực miền Trung và Tây Nguyên rất thuận lợi.

Ông Phạm Công Vinh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Sài Gòn - Đông Hà, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Trị bày tỏ: “sự kiện lần này là cơ hội để nâng cao thương hiệu du lịch Quảng Trị thông qua chuỗi hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm mới, mở ra cơ hội kinh doanh cho nhiều doanh nghiệp trong ngành”.

Đón đầu cơ hội, Ông Vinh cho biết thêm, Hiệp hội đã chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ để đảm bảo phục vụ du khách tham gia lễ hội. Mời giảng viên trường nghiệp vụ đào tạo nhân viên, chuẩn bị chương trình kích cầu du lịch. Đồng thời giao cho hội lữ hành chuẩn bị thêm tour liên kết nội địa - đa dạng hóa sản phẩm du lịch.

Thành quả chưa xứng với tiềm năng!

Theo số liệu từ sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, kết thúc 4 ngày nghỉ lễ 2/9 năm nay có 68.240 lượt khách du lịch đến Quảng Trị, tăng 187,9% so với cùng kỳ, công suất sử dụng cơ sở lưu trú khu vực phía Đông đạt 90%, vùng phía Tây đạt 100%, mang về nguồn thu gần 40 tỷ đồng.

Trong 7 tháng đầu năm, địa phương có 10 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế, 16 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa phục vụ hơn 2 triệu lượt khách du lịch, doanh thu xã hội ước đạt 1.639 tỷ đồng.

Chất liệu để xây dựng tour du lịch gồm có: di tích quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, địa đạo Vịnh mốc, thành cổ Quảng Trị, 2 nghĩa trang liệt sĩ quốc gia là Trường Sơn và Đường 9 - những địa danh mà người Việt Nam không ai không biết.

Thắng cảnh thiên nhiên đảo Cồn Cỏ mang vẻ đẹp hoang sơ hiếm hoi, bãi tắm Cửa Việt, Cửa Tùng xanh và sạch nhất miền Trung; ngược lên miền cao có hệ sinh thái rừng, thác, hang động, khu bảo tồn thiên nhiên đan xen với văn hóa độc đáo của dân tộc thiểu số.
So với các tỉnh lân cận, con số trên còn quá khiêm tốn. Bởi vì vẫn còn quá nhiều tồn tại vướng mắc “cầm chân” doanh nghiệp. Ông Tôn Thất Viễn Bình, một hướng dẫn viên du lịch kỳ cựu cho rằng: “Du lịch Quảng Trị chậm phát triển là do nhiều nguyên nhân, trong đó do chưa đầu tư, xây dựng được “vật chủ”.

Dễ thấy, địa phương thiếu các điểm tham quan du lịch tầm cỡ, có sức ảnh hưởng. Nguồn thu ngân sách hạn hẹp không đủ tái đầu tư; việc huy động nguồn lực từ doanh nghiệp không dễ dàng, doanh nghiệp sợ rủi ro nếu bỏ ra lượng tiền đầu tư lớn.

Thực tế, nhiều dự án du lịch nghỉ dưỡng được kỳ vọng là động lực, nhưng chưa thành công. Đơn cử, Khu dịch vụ - du lịch Gio Hải; Aquatica - Cua Viet beach and resort (huyện Gio Linh) có tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng; AE Resort Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh) trên 442 tỷ đồng đều bỏ hoang.

Mặt khác, theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Sài Gòn - Đông Hà, du lịch cần được gắn với sự kiện để nhằm quảng bá, sự kiện phải mang tính độc đáo, riêng biệt của du lịch Quảng Trị mà không trùng với sự kiện của địa phương khác; sự kiện phải mang tính định kỳ và quan trọng nhất là “đi vào lòng du khách”.

 

Nguồn Diễn đàn doanh nghiệp

Tin khác