Đình Lỗ Hạnh |
Đất xưa đình cổ
Đình Lỗ Hạnh được xây dựng năm 1576 dưới thời Lê Trung Hưng, thờ Cao Sơn Đại Vương và Phương Dung Tiên Chúa – 2 vị thần có công với nước, với dân thời Vua Hùng. Đình có tổng thể quy mô kiến trúc khá đồ sộ, hiện trong đình còn lưu giữ được nhiều di vật quý như bức tượng Phương Dung Tiên Chúa, bài vị Cao Sơn Đại Vương, đôi nghè gỗ sơn son thếp vàng từ thế kỷ 17, hai bức tranh sơn mài “bát tiên” mô tả 8 nàng tiên đang vui vẻ ca hát… Đặc biệt là bức chạm tiên gảy đàn đáy minh chứng cho cái nôi của nghệ thuật ca trù.
Khi mới xây dựng, đình là một tòa nhà rộng lớn, có sức chứa lên đến hàng trăm người. Sau nhiều lần trùng tu, đình có thêm phần hậu cung và tả vu, hữu vu. Nhiều tượng được trưng bày, cộng thêm cảnh quan được quy hoạch, tôn tạo và giữ được tổng thể như ngày nay.
Điêu khắc ở đình Lỗ Hạnh rất đặc sắc, tinh xảo, thu hút rất nhiều chuyên gia đến nghiên cứu và tìm hiểu. Hình tượng rồng mang dấu ấn thời nhà Mạc. Các linh vật khác được chạm khắc hết sức tự nhiên như một bức tranh thiên nhiên gồm ly, quy, phượng, cá, hươu, phong cảnh… Những bức chạm tứ linh và nhiều biến thể khác thành vân mây, hoa, lá trúc hóa long, long hóa trúc, rồng hóa mây, mây hóa rồng, cá hóa rồng, rồng hóa cá cho thấy người nghệ nhân xưa được thoải mái thể hiện tư tưởng cũng như tay nghề của mình: … Sự chuyển hóa ấy hàm chứa tính huyền thoại, nó đòi hỏi trí tưởng tượng cao cùng với nghệ thuật khéo léo, tài hoa của các nghệ nhân chạm khắc dân gian xưa.
Các tác phẩm phù điêu và tranh sơn mài được nghệ nhân xưa sắp xếp bố cục rất hợp lý. Nhiều hình tượng sống động như tiên cưỡi rồng, tiên cưỡi phượng, các thiếu nữ múa râu rồng… mang tư tưởng phóng khoáng, đạt đến sự tinh hoa của nghệ thuật, các bức phù điêu thể hiện cuộc sống muôn màu nơi làng quê, ước nguyện con người hướng tới Chân Thiện Mỹ trên cơ sở tư tưởng Tam giáo Đồng nguyên Phật - Lão - Nho.
Với tổng thể kiến trúc độc đáo, sự phối hợp tuần tự giữa tứ linh, bát linh, tứ thời, tứ thiết cho thấy nghệ thuật thời Lê Trung Hưng hướng tới nhân sinh, mong muốn cuộc sống bình yên từ những nét đẹp dân gian, làng quê.
Một góc đình Lỗ Hạnh |
Điểm hẹn ca trù
Người được cho là có công phát triển các phường ca trù ở Hiệp Hòa là bà Hà Thị Khánh sống vào thế kỷ 17. Nhiều năm gần đây, để bảo tồn nghệ thuật ca trù, huyện Hiệp Hòa đã thành lập nhiều CLB ở các xã, bồi dưỡng và đào tạo lớp trẻ tiếp nối truyền thống của các nghệ nhân. Và không nơi nào khác, đình làng là nơi thích hợp nhất để trình diễn nghệ thuật ca trù.
Theo như lời kể, đình Lỗ Hạnh là nơi diễn ra rất nhiều chiếu hát đón tiếp phục vụ quan lại thời Lê Trung Hưng nghỉ chân. Hiện nay trong đình còn lưu lại được nhiều sắc phong của triều đình, trong đó có nhắc đến sự tồn tại của nghệ thuật ca trù.
Hiện nay, đình Lỗ Hạnh không chỉ là nơi thờ cúng, sinh hoạt cộng đồng trong làng mà còn là nơi luyện hát, biểu diễn ca trù của các CLB, đặc biệt dịp Tết Nguyên đán thu hút đông đảo du khách thập phương. Với các giá trị lịch sử, kiến trúc độc đáo, đình Lỗ Hạnh đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1982.