Quyết tâm tạo đột phá du lịch quốc tế trong năm 2023

Thứ Năm, 22/12/2022 18:10
Theo ông Chris Farwell, đại diện Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB), Việt Nam là nước đi đầu mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19, nhưng không tận dụng được lợi thế.

Quyết tâm tạo đột phá du lịch quốc tế trong năm 2023 - Ảnh 1.

Quần thể danh thắng Tràng An (Hoa Lư, Ninh Bình), di sản thế giới kép đầu tiên ở Việt Nam với những giá trị nổi bật về cảnh quan thiên nhiên, lịch sử văn hóa và kiến tạo địa chất và cũng là địa danh du lịch tầm cỡ quốc tế - Ảnh: VGP/Kim Ngân

Theo thống kê mới đây về du lịch một số nước khu vực, như Thái Lan, Indonesia, Singapore, dù mở cửa sau Việt Nam, nhưng đều vượt qua chỉ tiêu họ đặt ra về số lượng du khách quốc tế đến. Chẳng hạn, năm 2022, Thái Lan đã đón hơn 10 triệu lượt khách quốc tế với tổng thu là 14 tỷ USD.

Trong khi đó, tại Việt Nam, hơn 90% cơ sở lưu trú du lịch trên cả nước đã hoạt động trở lại sau đại dịch, các hãng hàng không đã mở thêm nhiêu đường bay quốc tế mới... nhưng theo ông Chris Farwell, không có thị trường trọng điểm nào của Việt Nam phục hồi đạt mức 50% so với thời điểm trước COVID-19. Theo số liệu thống kê năm 2022, Việt Nam mới chỉ đón được khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế, trong khi chỉ tiêu đặt ra là 5 triệu lượt, tạo nguồn thu khoảng 4,5 tỷ USD.

Đâu là những nguyên nhân?

Nhiều chuyên gia cho rằng, vấn đề thị thực là một trong những rào cản chính. Việt Nam cần tăng thời gian miễn thị thực cho khách quốc tế lên 30 ngày, thay vì chỉ 15 ngày như hiện nay. Ông Kenneth Atkinson, Công ty Grant Thornton Việt Nam khuyến nghị, cần mở rộng việc cấp thị thực điện tử cho nhiều quốc gia, áp dụng các thủ tục nhập cảnh điện tử; tăng số lượng quầy làm thủ tục nhập cảnh để giảm tải tại các sân bay quốc tế, nhất là Tân Sơn Nhất.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel và Vietravel Airlines lại cho rằng, visa chỉ là nút thắt đầu tiên. Du lịch bao gồm nhiều bộ phận, tiểu ngành khác nhau, phải nhìn một cách tổng thể tất cả các khâu: Vận chuyển, lữ hành, lưu trú, dịch vụ, cũng như nhân lực.

Du lịch: Ngành kinh tế tổng hợp, có nhiều nút thắt liên quan

Sau hơn 2 năm bị ngưng trệ vì dịch bệnh COVID-19, du lịch dần phục hồi. Nhưng chính sự phục hồi quá nhanh bằng việc quá chạy theo số lượng, bằng những chương trình kích cầu giảm giá, từ khâu vận chuyển, dịch vụ, lưu trú đến các tour giá rẻ... đã phần nào hạ thấp yêu cầu về chất lượng.

Thực trạng "chảy máu" nguồn nhân lực du lịch cấp cao, có kinh nghiệm trong thời đại dịch, nhưng chưa kịp bù đắp và đào tạo lại sau khi du lịch được phục hồi... cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng du lịch.

Tư duy "ăn xổi, ở thì" của không ít công ty, cơ sở du lịch cũng để lại những hậu quả rất xấu, những ấn tượng không đẹp về du lịch Việt Nam. Tiếc rằng, nhiều điểm du lịch, kể cả các điểm du lịch nổi tiếng, các cơ sở khách sạn, nhà hàng vẫn còn không ít tình trạng chặt chém, đeo bám, quảng cáo quá lố… khiến khách "một đi không trở lại". Nhiều điểm du lịch, nhiều tài sản thiên nhiên được bán vé giá cao, nhưng không được duy tu, bảo trì, nâng cấp.

Quyết tâm tạo đột phá du lịch quốc tế trong năm 2023 - Ảnh 2.

Hồ thủy điện Na Hang (Tuyên Quang) hội đủ những yếu tố làm nên một quần thể du lịch sinh thái mang tầm cỡ quốc gia mà ít nơi có được - Ảnh: VGP/Kim Ngân

Bà Phan Thị Thắng, nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM, Thứ trưởng Bộ Công Thương đánh giá, chương trình quảng bá, xúc tiến của cơ quan quản lý nhà nước sau đại dịch COVID-19 tại các thị trường còn ít, vì thế, thông tin chính thống về chính sách mở cửa du lịch Việt Nam đến khách quốc tế chậm hoặc chưa đầy đủ. 

Ở nhiều địa phương, các ban, ngành liên quan nhiều khi buông lỏng, hoặc thiếu kỹ năng quản lý. Dù các quy định phòng dịch, như test xét nghiệm, cách ly, tiêm chủng… đã được Nhà nước đơn giản hoá và thay thế về cơ bản, nhưng một số trường hợp vẫn còn hiện tượng làm khó, làm sai với du khách nhập cảnh hoặc lưu trú.

Ông Nguyễn Ngọc Bích, CEO Công ty Du lịch Mekong Rustic chia sẻ, hiện có tình trạng chỉ tập trung xây khách sạn, chưa quan tâm xây dựng các sản phẩm mới lạ. 

Ông Nguyễn Đức Chí, nguyên Phó trưởng Phòng Quản lý lữ hành (Sở Du lịch TPHCM) cho rằng, du lịch nội địa hồi phục sớm, nhưng tiêu chí, chất lượng dịch vụ khách quốc tế có yêu cầu cao hơn. Nguồn khách quốc tế phải tiếp thị sớm, các tour cũng phải đặt trước có khi hàng năm.

Sắp đến cao diểm du lịch Tết Âm lịch - mùa du lịch sôi động nhất trong năm với nhiều chuyến đi dài ngày và các đoàn đông thành viên. Sau mấy năm bị hạn chế đi lại, nhiều gia đình Việt kiều từ các nước đã lên lịch và mua vé máy bay về nước. Các hãng hàng không đều tăng chuyến, cả nhiều chuyến bay đêm. Ngoài vấn đề an ninh, an toàn cho các chuyến bay, ngành hàng không cũng cần quan tâm nhiều hơn đến các dịch vụ mặt đất. Lượng khách tăng cao, cần tăng cường chất lượng dịch vụ, như xe đưa đón, nhà ga hành khách; chú trọng các điểm ăn uống, vệ sinh, ghế ngồi…

Chính phủ vào cuộc

Tại Hội nghị trực tuyến với 20 tỉnh, thành phố về thu hút khách du lịch quốc tế ngày 21/12 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính rất quan tâm đến việc tìm ra những nguyên nhân và có phương cách tháo gỡ; đồng thời, tỏ rõ quyết tâm của Chính phủ trong khôi phục ngành du lịch, tạo đột phá trong năm 2023.

Theo báo cáo của Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng, Bộ VHTT&DL đề xuất Chính phủ kéo dài thời gian lưu trú với khách quốc tế lên 30 ngày và xem xét thí điểm cấp thị thực tại cửa khẩu.

Cùng với đó, các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo của Việt Nam, như biển đảo, văn hóa, sinh thái... sẽ được tập trung làm mới; đồng thời xây dựng các cơ sở vật chất phục vụ yêu cầu chuyên biệt của một số nhóm khách tiềm năng theo đạo Hồi, đạo Hindu, khách ăn chay…

 

Theo Kim Ngân (Chinhphu.vn)

Tin khác

Video: Đôi dép không thể thiếu nhau