Những điểm đến hấp dẫn tại Sóc Sơn

Thứ Hai, 10/06/2019 00:00
Với vị trí thuận lợi chỉ cách trung tâm Hà Nội 30km, Sóc Sơn là một lựa chọn phù hợp cho những chuyến dã ngoại cuối tuần bởi nơi đây sở hữu rất nhiều điểm tham quan, du lịch và nghỉ ngơi với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ tuyệt đẹp.

Quần thể di tích đền Sóc – tượng đài Thánh Gióng

 Đền Mẫu trong Quần thể di tích đền Sóc
Đền Mẫu trong Quần thể di tích đền Sóc

Cách trung tâm Hà Nội 40km về phía Bắc, nằm trên địa bàn huyện Sóc Sơn, Quần thể di tích Đền Sóc nằm dưới chân núi Vệ Linh là một địa danh nổi tiếng với sự tích Thánh Gióng. Lễ hội Gióng đền Sóc đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2010. Di tích đền Sóc được xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2014.

Quần thể di tích đền Sóc nằm trong một vùng rừng núi bao la, bốn mùa cây cối xanh tươi và những khóm tre ngà vàng óng càng làm cho câu chuyện trở nên gần gũi thân thương. Mái đền ẩn mình dưới tán cổ thụ hàng trăm năm tuổi như tô thêm vẻ đẹp chốn tôn nghiêm, cổ kính.

Quần thể di tích đền Sóc gồm đền Trình, đền Mẫu (nơi thờ mẹ Thánh Gióng), chùa Đại Bi, đền Thượng, hòn đá Trồng tương truyền là áo giáp của Thánh Gióng để lại trước khi bay về trời và lăng bia đá ghi lại lịch sử đã tạo thành một tồng thể hài hòa, sống động. Tất cả những công trình này được xây dựng và trùng tu từ giai đoạn tiền Lê, nhiều lần tôn tạo, tu bổ qua các triều đại phong kiến khác góp phần làm cho khu di tích ngày càng to đẹp. Khu di tích lịch sử đền Sóc vẫn giữ được nhiều giá trị lịch sử văn hóa vô giá, góp phần vào công cuộc bảo tồn và phát huy nền văn hóa Việt Nam, được Nhà nước công nhận là Di sản Văn hóa cấp quốc gia.

 Tượng đài Phù Đổng Thiên Vương được đúc bằng đồng nguyên khối
Tượng đài Phù Đổng Thiên Vương được đúc bằng đồng nguyên khối

Việt Phủ Thành Chương

Việt Phủ Thành Chương. Ảnh: Internet
Việt Phủ Thành Chương. Ảnh: Internet

Nổi tiếng là một quần thể kiến trúc cung đình hoàn thiện còn lưu giữ nguyên vẹn những giá trị lịch sử, Việt Phủ Thành Chương đã được nhiều tờ báo quốc tế như The New York Times, Herald Tribune giới thiệu.

Thực tế, đây được coi là một bảo tàng tư nhân của họa sĩ nổi tiếng Thành Chương. Tại đây, ông đã quy tụ những tinh hoa của văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật Việt trong một khuôn viên lên tới 8.000m2.

Bên trong Việt Phủ Thành Chương có khoảng 30 công trình kiến trúc mang dáng dấp lịch sử Việt Nam thế kỷ trước. Dạo quanh một vòng rộng lớn, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của 13 ngôi nhà cổ với những tên gọi đặc biệt như lầu Tường Vân, nhà Thanh Tĩnh, cổng Hương, nhà Mạc Hương, quán Xuân Phong…

Việt Phủ Thành Chương tập hợp tất cả kiến trúc nhỏ liên quan như tháp, bàn cờ, hồ sen, nhà hát, phòng tranh,… Đi sâu vào trong là ngôi nhà lợp bằng cói rối 200 tuổi của dân tộc Mường, ngôi nhà cung đình Huế có tuổi đời 300 năm hay ngôi nhà gỗ lim đậm chất đồng bằng Bắc Bộ…

Ngoài những công trình mô phỏng theo lối kiến trúc từ xưa, phủ còn bao gồm cả nhà hàng với thực đơn đa dạng mang hương vị Việt như nem, bún riêu, bánh đa, bánh đúc… quán bán đồ lưu niệm với những món đồ thủ công, mỹ nghệ, đặc biệt ở nhà hát Long Đình bạn có thể xem tiết mục múa rối nước do các nghệ nhân dàn dựng.

Chùa Non Nước

Chùa Non Nước
Chùa Non Nước

Từ tượng đài Thánh Gióng đi xuống, du khách đến với Chùa Non Nước (tên chữ là Sóc Thiên Vương Thiền tự) là một trong những ngôi chùa cổ kính của Việt Nam với hơn 1000 năm tuổi. Được xây dựng từ thời Tiền Lê, ngôi chùa gắn liền với vị quốc sư đầu tiên của Việt Nam - Khuông Việt Đại Sư. Theo thuyết phong thủy, chùa được dựng trên thế long chầu hổ phục, nằm chính giữa dãy nũi hình vòng cung, tựa như người ngồi trên chiếc ngai, hướng nhìn xuống vùng hồ nước trong xanh và những xóm làng trù phú của xã Vệ Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Năm 2002, chùa được xây dựng lại trên nền chùa cũ, theo kiến trúc chùa cổ gồm 7 gian 2 chái; họa tiết, hoa văn được trang trí cũng theo nguyên mẫu của thời Tiền Lê. Khuôn viên chùa rộng rãi, tôn nghiêm với phong cảnh hữu tình, thanh tịnh. Đặc biệt, chùa có pho tượng Phật Tổ Như Lai bằng đồng đúc liền khối, nặng 30 tấn, cao 8,4m (tính cả bệ đá) được đặt chính giữa chùa. Bức tượng được đánh giá là một công trình nghệ thuật đặc sắc, góp phần tôn vinh nghề đúc đồng truyền thống của Việt Nam.

NT

Tin khác