Người dân Châu Á đón Rằm tháng 7 thế nào?

Thứ Ba, 09/08/2022 12:15
Rằm tháng 7 hay còn gọi là Vu Lan năm nay rơi vào ngày 12.8. Người dân Châu Á tổ chức nhiều lễ hội lớn nhỏ để cầu phúc, cầu bình an.

Tháng 7 âm lịch còn có tên dân gian là "tháng cô hồn". Ngoài ra, rằm tháng 7 còn là dịp để người dân báo hiếu bậc sinh thành và tưởng nhớ những người thân đã qua đời. Ngày 15/7 giữa tháng âm lịch là cao điểm của các hoạt động lễ hội này ở nhiều nơi khắp Châu Á như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Indonesia...

Trung Quốc

Người dân Trung Quốc cũng cầu nguyện tổ tiên phù hộ phước lành vào dịp rằm tháng 7. Ngoài ra, họ còn chuẩn bị đồ cúng ba lần một ngày dâng lên ban thờ gia tiên, trước khi bày đồ cúng ra ngoài cửa cho những linh hồn lang thang nơi trần thế. Những truyền thống khác được thực hiện gồm hóa vàng mã, biểu diễn nghệ thuật cho những linh hồn và thả hoa đăng xuống sông hồ để cầu an, dẫn đường cho các linh hồn trở về cõi âm.

Đài Loan

Người dân thành phố Cơ Long, phía bắc đảo Đài Loan có một lễ hội dân gian quan trọng vào tháng 7 âm lịch là lễ cầu siêu Trung Nguyên. Từ chiều 14/7 âm lịch, có nhiều hoạt động diễu hành trên các xe hoa, đi cùng là các nhóm nghệ thuật đường phố, nhóm múa lân… Các trường học, đoàn biểu diễn cũng tham gia vào đoàn diễu hành.

Cướp quà cũng là một hoạt động dân gian quan trọng vào tết Trung Nguyên ngày 15/7 âm lịch. Sau lễ cúng bái, đồ lễ sẽ được mang ra cho mọi người “cướp”. Màn cướp quà ở thị trấn Đầu Thành, huyện Nghi Lan (Yilan) có quy mô lớn nhất hòn đảo.

 
Giàn cướp quà cao chọc trời với các cột trụ làm từ thủy tùng, cao khoảng 11m, rộng khoảng 8m; bên trên là các cây trúc xanh cao khoảng 7, 8 trượng bó lại thành các cây quà. Ảnh: Taiwan Tourism Bureau HCM Office

Trên cây quà treo đầy đồ ăn như mực, bánh ú nhân thịt, mỳ gạo, thịt, cá... Các đội tham gia bắt buộc phải dùng cách leo chồng lên nhau mới có thể trèo lên các cột trụ và cây quà phết đầy bơ. Khi leo lên, họ sẽ lấy quà ném xuống cho khán giả. Đội nào lấy được cờ buộc trên ngọn cây quà sẽ giành chiến thắng.

Singapore

Cộng đồng người Hoa tại đảo quốc sư tử coi rằm tháng 7 là lễ hội để tưởng nhớ những người thân đã qua đời. Nét đặc sắc của mùa Vu Lan ở Singapore là màn biểu diễn "getai" dành cho những linh hồn lang thang nơi trần thế. 

Các căn lều lớn được dựng ngoài trời và các buổi đấu giá tại các khu dân cư như Ang Mo Kio và Yishun. Ngoài ra còn có cả các màn biểu diễn, như kinh kịch và 'getai' (có nghĩa là ca đài trong tiếng Trung, tức là các chương trình biểu diễn trực tiếp trên sân khấu), với các câu chuyện về các vị thần và nữ thần, hài độc thoại, cũng như các bài hát và điệu nhảy đếm số. Điểm đến cho dịp rằm tháng 7 ở Singapore là khu Chinatown và miếu Lorong Koo Chye Sheng Hong thờ Đạo Lão.

 
Ngày nay "getai" cũng có phong cách rất khác, với âm nhạc sôi động trên sân khấu chiếu đèn LED rực rỡ. Những nghệ sĩ trẻ tuổi sẽ không hát các bài ca truyền thống bằng tiếng địa phương mà biểu diễn các phiên bản techno của các ca khúc nhạc pop tiếng Anh và tiếng Phổ thông. Ảnh: National Heritage Board Singapore

Malaysia

Trong suốt tháng 7 âm lịch, người Hoa ở Malaysia cũng biểu diễn những tiết mục nghệ thuật như nhạc kịch, ca hát, nhảy múa... để phục vụ những linh hồn lang thang nơi trần thế. Mỗi buổi trình diễn kéo dài từ 20h đến nửa đêm. Riêng hàng ghế đầu tiên dành cho các linh hồn.

Indonesia

Lễ hội rằm tháng 7 ở Indonesia có tên là Chit Gwee Pua. Dip này người dân tập trung về các đền chùa và mang theo đồ cúng dành cho những linh hồn kém may mắn. Phần đồ cúng sau đó được tặng người nghèo. Cảnh tượng tranh giành đồ cúng là phần hội không thể thiếu của Chit Gwee Pua ở đảo Java. Tại những vùng Bắc Sumatra, Riau và đảo Riau, người dân tổ chức những sân khấu Getai như truyền thống của cộng đồng người Hoa ở Malaysia hay Singapore.

Một người đàn ông ném tiền âm phủ trong dịp rằm tháng 7. Ảnh: Sampuna/Wikimedia Commons
Một người đàn ông ném tiền âm phủ trong dịp rằm tháng 7 ở tỉnh Medan, Indonesia. Ảnh: Sampuna/Wikimedia Commons

Nhật Bản

Dịp rằm tháng 7, người Nhật Bản tổ chức lễ hội Phật giáo Obon để tỏ lòng biết ơn tới tổ tiên, nguồn cội. Lễ hội kéo dài trong khoảng 3 ngày từ 13 đến 15.7 âm lịch. 

Ngày rằm tháng 7 còn có tên là Chugen, dịp người dân tặng quà cho cấp trên và người thân. Tục lệ này có nguồn gốc từ truyền thống dâng đồ cúng cho các linh hồn tổ tiên.

Vào ngày đầu tiên của lễ hội Obon, người dân sẽ treo đèn lồng trước cửa để chỉ đường về nhà cho các linh hồn. Đến ngày cuối cùng là lễ thả đèn hoa đăng xuống những dòng sông để làm dấu dẫn đường cho những linh hồn trở về thế giới của mình. 

Theo Nhật Hạ (Lao Động)

Tin khác