Chùa Phúc Hải được xây dựng vào năm Quý Sửu (1553) triều vua Lê Trung Tông Thuận Bình thứ 5. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, chùa Phúc Hải đã được nhân dân xã Hải Minh qua bao đời gìn giữ, tôn tạo và trở thành địa chỉ văn hóa tâm linh linh thiêng, mang đậm yếu tố văn hóa truyền thống và hiện đại như ngày nay.
Chùa Phúc Hải nằm trong một quần thể kiến trúc truyền thống bao gồm chùa và đền thờ Trần Hưng Đạo do Tứ tổ các họ Mai, Phan, Phạm, Nguyễn khởi công huy động nhân dân xây dựng; ngày nay Đảng bộ và nhân dân Hải Minh xây dựng tiếp đền thờ Tứ tổ và nhà truyền thống theo lối kiến trúc truyền thống tạo nên một quần thể Di tích lịch sử văn hóa có 17 tòa với 67 gian.
|
Lễ hội truyền thống năm 2020 được tổ chức trọng thể trong hai ngày 1 và 2 tháng 3 âm lịch hàng năm với sự tham dự đông đảo của đại biểu các đoàn thể, các dòng họ và bà con nhân dân xa gần. Đây thực sự là ngày hội văn hóa tâm linh của những người con quê hương Hải Minh xa gần.
Cùng với hoạt động lễ hội truyền thống, các hoạt động văn hóa thể thao, du lịch làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ và triển lãm cây cảnh nghệ thuật đã góp phần tôn vinh lịch sử thống được khong ngừng vun đắp trong suốt hơn 500 năm thăng trầm của lịch sử kể từ thưở Tứ Tổ về lập ấp năm 1485 đến nay.
|
Quần thể Di tích lịch sử văn hóa chùa Phúc Hải khang trang, bề thế gồm 17 tòa với 67 gian |
Cũng giống như nhiều di tích lịch sử khác của tỉnh Nam Định, chùa Phúc Hải ngoài việc thờ Phật, còn thờ hai vị Quốc sư từ thời Lý, những người đã để lại cho đời nhiều công đức, đó là hai vị trong "Nam thiên Thánh tổ": Từ Đạo Hạnh và Không Lộ thiền sư.
Bên cạnh chùa Phúc Hải còn đền thờ tứ tổ khai sáng đất Kim Đê xưa. Đó là các tổ thuộc họ Mai, Phan, Phạm, Nguyễn từ các nơi đã vượt sông Cường quần tụ về đây quai đê lấn biển mở chợ, lập cầu tạo nên các ấp để sinh cơ lập nghiệp. Nơi đây còn thờ các vị anh hùng dân tộc như Trần Hưng Đạo, tướng quân Phạm Ngũ Lão, Triệu Quang Phục.
|
Tượng Phật Bồ Tát trong khuôn viên chùa |
Chùa được xây dựng riêng biệt trên một khu đất vừa có chiều rộng vừa có chiều sâu. Công trình chính bao gồm bái đường, tam bảo và thượng điện. Xung quanh có gác chuông, nhà tổ, phủ thờ, nhà khách, nhà bếp tạo thành kết cấu nội chữ đinh ngoại chữ quốc. Ngoài ra công trình còn cổng chính, cổng phụ, cột đồng trụ, tường hoa, hồ nước trải rộng trước cửa chùa, khu văn bia, giếng cổ, khu tháp mộ, vườn cảnh... Tất cả hòa quyện làm cho cảnh quan chùa Phúc Hải có sức hấp dẫn với du khách gần xa.
Là một công trình kiến trúc quy mô, tuy đã được tu sửa nhiều lần nhưng chùa Phúc Hải vẫn bảo lưu được đường nét phong cách nghệ thuật cổ truyền của dân tộc. Trong tổng thể công trình, tòa bái đường với lối thiết kế kiểu "Thượng chồng rường hạ kẻ bẩy" mang dấu ấn kiến trúc thời Hậu Lê (TK XVIII). Các hàng cột trụ, xà lòng, xà nách... có kết cấu tương ứng với hệ thống cột đỡ, được đục chạm hoa lá, soi chỉ tạo đường nét mềm mại thanh thoát.
|
Đặc biệt, trong tòa bái đường còn có bộ cửa võng bài trí tại gian giữa được chạm thông phong hình tượng lưỡng long chầu nguyệt, dưới là hình ảnh đôi phượng múa, đôi ly chầu và nổi bật là những hoa, lá của một ao sen có con rùa đang ẩn hiện phun nước, làm cho tòa nhà càng thêm trang nghiêm lộng lẫy...
Không chỉ đẹp về quy mô kiến trúc, chùa Phúc Hải còn lưu giữ được nhiều cổ vật, cổ thư có giá trị. Đó là hệ thống tượng Phật khá phong phú đựơc chạm khắc, sơn thếp lộng lẫy tiêu biểu là các pho tượng Tam thế, Phật Bà, Thích Ca, Cửu Long... Các cỗ kiệu, long đình, đại tự, cửa võng... cũng được chạm khắc công phu, nội dung phong phú ca ngợi cảnh đẹp chốn cửa thiền.
Ngoài ra chùa Phúc Hải còn có hàng chục văn bia nói về lịch sử khẩn hoang, về việc tu sửa và xây dựng chùa. Đặc biệt nhất là tấm bia "Phúc Hải tự bi" niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 6 (1624) có nội dung rất phong phú, xúc tích nói về lịch sử hình thành mảnh đất con người và ngôi chùa Phúc Hải. Phần tạo dáng chạm khắc của bia cũng rất độc đáo. Bốn mặt bia chạm khắc nhiều đề tài khác nhau, tập trung chủ yếu là tứ linh, hoa lá. Đây là tấm bia có giá trị cao về nghệ thuật, ít thấy trên địa bàn tỉnh Nam Định cũng như một số tỉnh thuộc vùng châu thổ sông Hồng.
|
Tưng bừng lễ hội chùa Phúc Hải |
Khu di tích chùa Phúc Hải còn gắn với nhiều kỷ niệm cách mạng và kháng chiến của vùng đất Hải Minh. Nơi đây là địa điểm tập kết của quần chúng nhân dân tham gia mít tinh, biểu tình, cướp chính quyền trong những ngày Cách mạng tháng Tám lịch sử.
Trong những năm đầu toàn quốc kháng chiến, chùa chính là cơ sở đi về, trú quân, tập luyện, triển khai đánh địch của các lực lượng tự vệ địa phương, của sư đoàn 304 chuẩn bị chống càn đánh địch, tổng phản công góp phần cùng cả nước đi đến thắng lợi cuối cùng. Thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, gác chuông chùa Phúc Hải đã trở thành địa điểm cắt may áo quần cho chiến sĩ gửi đi chiến trường đánh giặc.
Lễ hội chùa Phúc Hải diễn ra vào ngày mồng 01 đến ngày mồng 03 tháng 3 âm lịch hàng năm. Đây là ngày hội để con cháu tỏ lòng biết ơn công lao của tổ tiên đã tạo dựng nên vùng đất mới đồng thời động viên mọi người chung sức chung lòng xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp.