Xã Phúc Sen có khoảng 150 hộ làm nghề, trung bình một sản phẩm có giá từ 20 - 200.000 đồng/chiếc. Nghề rèn đem lại thu nhập cho người dân địa phương và đó cũng là nét văn hóa đẹp của địa phương. Không ai biết chính xác nghề rèn ở xã Phúc Sen có từ bao giờ, chỉ biết rằng người dân ở Phúc Sen những năm gần đây đang “đổi đời” nhờ nghề rèn của ông cha để lại.
Nét độc đáo của nghề rèn nơi đây là kỹ thuật lựa chọn phôi thép, cách tôi (luyện) thép và bí quyết riêng của từng hộ gia đình để tạo ra những sản phẩm chất lượng tốt.
Mặt hàng chính được các hộ gia đình nơi đây rèn là dao, kéo, cuốc, liềm… phục vụ đời sống lao động của bà con nông dân. Xã Phúc Sen có khoảng 60 hộ làm nghề thường xuyên.
Người thợ rèn có thể xác định được độ chín của từng sản phẩm trong lò than để kịp đem nhúng vào chậu nước bên cạnh bễ thụt hơi. Tiếng quai búa khắp làng là thứ âm thanh rất đỗi quen thuộc với người dân làng Phúc Sen.
Những thanh thép được mua vào với 18.000 đồng/kg để phục vụ cho rèn dao, cuốc...
Xét về hình thức và màu sắc thì không thể đẹp bằng dao sản xuất công nghiệp, nhưng chất lượng thì dao Phúc Sen vượt trội. Theo những người sản xuất dao tại đây, loại dao để thái có thể thái được thịt đóng đá trong tủ lạnh, dao để chặt có thể chặt được cả cây sắt nhỏ hay kim loại mà không bị mẻ, bị quằn.
Sản phẩm nghề rèn của làng làm ra là các công cụ cầm tay có chất lượng cao phục vụ cho cuộc sống hàng ngày, làng nghề Phúc Sen không chỉ nổi tiếng ở trong nước mà cả nước ngoài, chủ yếu là xuất đi Trung Quốc.
Nhờ có máy móc hỗ trợ, ngày nay người thợ rèn ở Phúc Sen đã nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Người dân Phúc Sen rất kỹ tính trong việc lựa chọn nguyên liệu để rèn đúc. Họ thường chọn mua những lá nhíp ô tô cũ để làm dao, cuốc, nông cụ. Vì thế, những sản phẩm làm ra thường sắc bén, có độ bền cao.
Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, nghề rèn vẫn được đồng bào Nùng An ở Phúc Sen gìn giữ, phát triển. Có thể nói, nghề rèn đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây, góp phần quan trọng tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới ở xã. Đồng thời, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc qua nghề rèn truyền thống ở nơi đây cũng tạo nên sức hấp dẫn đối với du khách khi đến thăm Cao Bằng.