Khắp các con đường ở Quảng Phú Cầu (Hà Nôi) nổi lên hai màu đỏ và nâu: Đỏ là màu của chân hương, nâu là màu của thân hương. Những người thợ làm hương ở xã Quảng Phú Cầu tâm niệm; hương liên quan đến thế giới tâm linh, nên các công đoạn làm hương không được cẩu thả và các nguyên liệu làm hương luôn phải sạch.
Thời điểm này, nhiều gia đình đang cố gắng sản xuất vượt tiến độ để cung cấp cho thị trường dịp Tết Nguyên đán 2020. Theo các hộ dân, để hoàn thành một nén hương, người thợ phải làm nhiều công đoạn từ chẻ tre (hoặc vầu), vót tăm, nhuộm chân hương, làm thân hương, phơi khô và đóng gói. Và để có được sản phẩm tâm linh này, những người làm hương phải bỏ ra rất nhiều công sức.
Những thanh tre, vầu được tách nhỏ ra để chuẩn bị đưa vào máy làm chân hương. Không khí tất bật ở làng hương Quảng Phú Cầu càng trở nên nhộn nhịp hơn vào những tháng cuối năm âm lịch, tất cả đều hối hả.
Công nhân phân loại những chiếc tăm và sắp xếp lại thành những bó nhỏ để chuyển đi nhuộm chân hương.
Chân hương được nhuộm màu đỏ, hoặc các màu sắc khác.
Thu nhập của mỗi người công nhân ở đây khoảng 200.000 đồng/ngày. Chị Hoa (người sản xuất hương) chia sẻ, vào tháng giáp Tết, gia đình chị thu nhập khoảng 10 triệu đồng khi bán hương vào khu vực miền Trung. Đây là khoản tiền lớn so với quốc gia có thu nhập trung bình một tháng khoảng 4,5 triệu đồng.
Sắc đỏ hồng ở Quảng Phú Cầu rất nổi bật dịp cận Tết Nguyên đán 2020.
Trước kia, hương được se hoàn toàn bằng tay. Giờ đây đã có sự trợ giúp của máy móc nên năng suất tăng lên nhiều.
Hương se xong được đem phơi khô. Hương Quảng Phú Cầu không sử dụng hóa chất tạo tàn vòng nên an toàn cho sức khỏe. Từ sân nhà cho đến những con đường lớn nhỏ đâu đâu cũng đỏ rực chân hương.
Trải qua bao thời gian, làng hương Quảng Phú Cầu đã góp phần giúp ngôi nhà người Việt luôn nồng ấm hương thơm của những nén nhang trầm, nhang quế trên bàn thờ gia tiên mỗi dịp Tết đến Xuân về.