3 tháng thiệt hại 7,7 tỉ USD
Du khách thăm quan tại đền Quán Thánh ngày 8/2/2020. Ảnh: Thanh Hà
Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra tại Việt Nam trong vòng 1 tháng qua đã gây ảnh hưởng cho nhiều lĩnh vực, ngành nghề, trong đó có du lịch.
Theo báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội, số lượng khách quốc tế đến Hà Nội tháng 1 giảm 24%, số khách huỷ phòng là 13.286 phòng, tương đương với 16.297 khách quốc tế, tour inbound huỷ 7.642 khách; outbound hủy 7.198 khách. Số khách trong nước hủy tour là 3.120 khách.
Ông Ngô Hoài Chung - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ước tính con số thiệt hại trong 3 tháng tới lên đến 7,7 tỉ USD.
Du khách nước ngoài thăm quan đền Quán Thánh ngày 8/2/2020. Ảnh: Thanh Hà
Chia sẻ với Dân Việt, ông Phùng Quang Thắng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, Giám đốc Công ty du lịch Hanoitourist cho biết: "Du lịch là một trong những ngành rất nhạy cảm với các loại thảm họa như thiên tai, dịch bệnh, tai nạn… Các doanh nghiệp du lịch đang phải gồng mình chống dịch, vừa phục vụ, vừa phải giải quyết các tình huống phát sinh.
Nhiều khu, điểm du lịch trở nên vắng vẻ hơn bao giờ hết. Ảnh hưởng của dịch virus Corona tác động mạnh mẽ, tính tới thời điểm hiện tại chúng tôi chưa thống kê được con số cụ thể số khách huỷ tour, bởi khách hàng huỷ hàng ngày.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho biết, tỷ lệ khách báo huỷ lên tới 40 – 50%. Thị trường Trung Quốc đương nhiên là huỷ 100%. Một số khách sạn thông báo, khách du lịch huỷ gần hết, chỉ còn 12% khách đến ở. Đó là với lượng khách đã đặt dịch vụ vào báo huỷ, còn với những khách đang có kế hoạch đi du lịch thì con số thiệt hại là không thể thông kê được. Ước tính thiệt hại đối với ngành du lịch là hàng chục ngàn tỉ đồng”.
Du khách Việt thắp hương tại chùa Phúc Khánh ngày 8/2/2020. Ảnh: Thanh Hà
Bà Tú Anh – Phó Giám đốc công ty Lữ hành quốc tế Thái Sơn cho biết, kể từ ngày mồng 1 tháng Giêng cho tới thời điểm hiện tại, dịch virus Corona gây thiệt hại khá lớn cho công ty, hàng chục tour trong nước và nước ngoài đã bị báo huỷ, chờ huỷ và hoãn chưa có thời gian cụ thể.
“Cho đến thời điểm hiện tại, công ty chúng tôi tổ chức được 3 tour thành công, trong đó 2 tour nội địa và 1 tour đi Thái Lan. Nói thiệt hại về kinh tế thì chúng tôi chưa có con số thống kê cụ thể, tuy nhiên may mắn là chúng tôi cũng đã được hỗ trợ phần nào từ phía hãng hàng không, khi đặt vé bay may, huỷ tour được hoàn 100% tiền vé, hay bên đối tác không phạt. Nhưng bù lại chúng tôi phải chấp nhận mất tiền chi phí bên lề như, làm dịch vụ visa cho khách…”, bà Tú Anh nói.
Kích cầu du lịch nội địa
Đoàn du khách Pháp thăm quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám ngày 6/2/2020. Ảnh: Thanh Hà
Ông Hoàng Văn Tuyên - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lào Cai chia sẻ với Dân Việt: “Tỉnh Lào Cai giáp với biên giới Trung Quốc, lâu nay lượng khách tại thị trường này vẫn là lượng khách lớn nhất cho Lào Cai. Tuy nhiên, khi dịch virus Corona bùng phát thì lượng khách Trung Quốc giảm sâu. Tính đến thời điểm hiện tại, Lào Cai đã phải hủy hơn 10.000 lượt khách, kéo theo đó là hàng loạt dịch vụ đi kèm.
Dịch virus Corona sẽ còn kéo dài chưa biết đến khi nào, trong khi Trung Quốc là thị trường rất lớn đối với Lào Cai, cần có thời gian để khôi phục. Vì vậy thời gian tới Lào Cai sẽ tập trung chuyển sang thị trường quốc tế khác, đồng thời kích cầu để giữ khách nội địa.
Nói về giải pháp hiện tại cho các doanh nghiệp du lịch, theo ông Phùng Quang Thắng, dịch virus Corona sẽ không chỉ ngày một ngày hai, chỉ trong một tuần mà sẽ kéo dài hơn, vì vậy đây sẽ là những khó khăn cho các doanh ngiệp du lịch.
"Theo tôi, du lịch Việt Nam cần có những biện pháp, bước đi, kế hoạch, thời gian phù hợp cũng như có sự tổ chức bài bản, đồng bộ để khôi phục thị trường. Cụ thể, các vấn đề về tài chính, ngân hàng, giãn nợ, các chính sách về thuế, visa, các chính sách xúc tiến thị trường mới...
Du khách thăm quan đền Ngọc Sơn sáng 6/2/2020. Ảnh: Thanh Hà
Đặc biệt, chúng ta cần tập trung vào thị trường du lịch nội địa. Khi dịch vượt qua đỉnh điểm, có nhiều địa phương không bị dịch, du khách có thể tìm đến các điểm mới, an toàn. Ngoài ra cần phải tìm thêm nhiều giải pháp hơn nữa, ví dụ các doanh nghiệp vẫn rất cần xúc tiến tham gia các sự kiện trong và ngoài nước để quảng bá du lịch, hình ảnh Việt Nam với khách quốc tế. Tuy nhiên, điều quan trọng đối với các doanh nghiệp du lịch là phải hết sức tập trung, đoàn kết, chia sẻ, chung tay xử lý, từ đó có những giải pháp chi tiết để hồi phục”, ông Phùng Quang Thắng cho hay.
Còn theo bà Tú Anh: “Đã có công điện của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ VHTTDL về việc mở cửa lại các di tích, danh lam thắng cảnh, nhưng để khôi phục lại thị trường du lịch, đặc biệt là thị trường du lịch quốc tế sẽ vẫn gặp nhiều khó khăn. Tôi nghĩ thời gian tới đây chúng tôi sẽ tính tới phương án đẩy mạnh du lịch nội địa hơn nữa”.
Đồng quan điểm với các doanh nghiệp, ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng du lịch nội địa đang là một trong những hướng để đưa ngành du lịch thoát khỏi tình trạng khó khăn.
“Nhu cầu du lịch nội địa hiện nay luôn rất cao và cạnh tranh cũng rất quyết liệt. Và một trong những hành động cụ thể chúng ta nên làm trong thời điểm này là kích cầu, giảm giá dịch vụ. Điều này đã từng thực hiện khi có dịch SARS và các doanh nghiệp đã chung tay với nhau thực hiện khá hiệu quả”, ông Vũ Thế Bình nói.