Lễ hội xuống đồng
Mùng 3 Tết, tôi dự lễ hội Gầu Tào của người Mông ở huyện Mường Khương. Ấn tượng màn cúng trước cây nêu, trên ngọn cây nêu treo bầu rượu, túm thóc, bắp ngô và dải băng đỏ để kính báo thần linh trời, đất… Mùng 5 tôi đến hội Lồng Tồng (Xuống đồng) của người Tày ở huyện Bảo Thắng. Ngắm đường cày băng băng sau những bước đi chắc nịch của trâu kéo mà thấy cả một mùa màng bội thu. Mồng 6, tôi đến Hội Đình của người Tày huyện Bảo Yên, mê mải ngắm những phụ nữ trung niên và thanh nữ khỏe mạnh xinh đẹp trong đoàn ngược lên núi Pản Phố rước hồn Đất, hồn Nước về dự hội với dân làng. Mồng 8, tôi “chen ngang” với du khách để say sưa ngắm những chàng trai Dao tỏa sáng Pút tồng trong vũ điệu lửa ở huyện Bắc Hà. Ngày 12, tôi có mặt tại hội Roóng Poọc của người Giáy ở Tả Van (Sa Pa) hồi hộp với màn ném thủng vòng tròn âm - dương treo trên ngọn cây nêu của những cụ ông…
Chỉ trong chục ngày, tôi đã mải mê đi hầu hết những lễ hội đầu Xuân của các dân tộc trong tỉnh Lào Cai. Lễ hội nào cũng đông đúc và rực rỡ sắc màu nhiều dân tộc. Đến đâu, tôi cũng thấy sự cuốn hút say đắm lòng người. Ai ai cũng “vui như trảy hội”. Lễ hội cứ cuốn tôi đi miên man, bắt các giác quan của tôi phải căng lên cảm nhận hết những âm thanh, hình ảnh của nó. Tôi ngắm khuôn mặt lam lũ của những người dân tộc vùng cao đang giãn ra rạng rỡ khi cùng tham gia hoặc đứng xem các trò chơi. Tôi tò mò nắm bàn tay sẫm màu chàm của những thiếu phụ Mông đang quây xem chơi yến. Tôi xúc động trước cặp vợ chồng già người Hà Nhì thơm sực mùi thảo quả, tay trong tay hớn hở dự lễ… Tôi nói chuyện với những cụ già khuôn mặt đậm dấu ấn thời gian vừa cười sảng khoái khi xem kéo co...
Tôi cũng đã chăm chú ngắm những du khách nước ngoài say sưa tham dự các trò chơi trong lễ hội. Trời lạnh mà mặt mũi đỏ căng, chơi kéo co bị kéo cho ngã bổ chửng vẫn cười vui. Tôi nói chuyện với một du khách Canada vừa quay xong clip về màn nhảy lửa. Ông cho biết cứ vài năm lại sang Việt Nam du Xuân một lần. Vùng Tây Bắc là nơi ông hay đến bởi phong cảnh đẹp và ông ấn tượng nhất lễ hội Nhảy lửa này. Đầu tiên ông cứ nghĩ đó là một màn magic (ảo thuật), nhưng khi chàng trai Dao thứ hai nhảy tung tóe than hồng trùm lên kín người, thì ông mới tin là thật. “Tuyệt vời! Tuyệt vời” ông cứ vừa lơ lớ nhắc đi nhắc lại bằng tiếng Việt vừa xoa tay lên cánh tay kia và thân mình để minh họa cho việc nhảy lửa mà không bị bỏng thì tài quá!
Tôi ngắm những khuôn mặt tươi rói trong các lễ hội và tự mỉm cười hạnh phúc. Phải chăng nét hồn nhiên của những người dự hội đã truyền sang tôi? Những người dân bản địa cuộc sống còn khó khăn. Dịp đầu Xuân là để họ nghỉ ngơi, thư giãn và những ngày trảy hội như tiếp thêm cho họ nguồn năng lượng để sau đó trở lại mưu sinh giữa chốn núi rừng và an nhiên tự tại với những gì mình có. Cuộc sống cứ bình dị trôi đi đủ ăn, đủ mặc để nuôi dạy con cái là hạnh phúc rồi…
Lễ hội Nhảy lửa
Nhớ lại lần dự lễ hội Lồng Tồng ở Bảo Thắng mà xúc động. Hàng trăm người dân Tày, Nùng, Dao, Mông góp mặt… Khi những đường cày băng băng rẽ đất, người đứng chật bốn bờ ruộng vỗ tay rào rào. Mấy cụ già cạnh tôi ngẩng mặt lên trời, nhắm mắt chắp tay khấn tạ thần linh, trời đất phù hộ cho dân làng một năm mới bão giông qua đi, mưa thuận, gió hòa đưa lại, thóc ngô đầy cót, gà vịt đầy chuồng… Những lời khấn phồn thịnh ấy thương mến xiết bao!
Lễ hội đã làm bùng lên ngọn lửa tâm linh nguồn cội, là sợi dây thiêng nối quá khứ với hiện tại. Lễ hội làm con người ta quên đi những nhọc nhằn mưu sinh trước mắt để sống với niềm vui trong hiện tại có bóng dáng tổ tiên và linh thiêng thần thánh, cùng những khát vọng xoay quanh một cuộc sống bình yên, sung túc. Cái sứ mệnh lễ hội của cộng đồng các dân tộc Việt sao mà lớn lao đến thế! Thiêng liêng đến thế!