Du lịch chữa lành tại Núi Bà Đen, Tây Ninh

Thứ Tư, 19/07/2023 18:00
Du lịch chữa lành tại các điểm đến tâm linh đang dần trở nên phổ biến tại Việt Nam, và núi Bà Đen tại Tây Ninh hiện đang được coi là “điểm đến chữa lành” tại Nam bộ.

Du lịch thiền – từ Ấn Độ đến Việt Nam

Kanha Shanti Vanam (thành phố Hyderabad, Ấn Độ) được biết đến là một trong những trung tâm thiền định lớn nhất thế giới, nơi hàng ngàn du khách mỗi năm đến để chữa lành cả thể chất lẫn tâm hồn. Không có những bài tụng, thần chú hay các tư thế bắt buộc, tại đây mọi người sẽ được tiếp cận thiền "Heartfulness" – loại hình kết hợp giữa các yếu tố thể chất, tinh thần và tâm linh một cách tự nguyện, để tìm kiếm sự an yên.

Du lịch chữa lành tại Núi Bà Đen, Tây Ninh - Ảnh 1.

Nghe pháp thoại tại Trung tâm triển lãm phật giáo trên Núi Bà Đen

Cũng tương tự Kanha Shanti Vanam, thành phố Bengaluru (Ấn Độ) nổi tiếng với trung tâm Vishalakshi Mantap - một thiền đường với thiết kế là những cánh hoa sen bao quanh. Đây là trung tâm nổi tiếng với các buổi thiền định, nơi du khách thế giới đến để học các kỹ thuật thiền, kỹ thuật thở để chăm sóc sức khỏe cả về thể chất và tinh thần.

Ấn Độ chỉ là một trong rất nhiều quốc gia đang chứng kiến sự phát triển cực thịnh của loại hình du lịch chữa lành, thông qua các tour thiền định, yoga, trì niệm…, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19. Theo khảo sát của Tổ chức Du lịch sức khỏe thế giới năm 2022, 76% số người được hỏi muốn chi tiêu nhiều hơn cho các chuyến du lịch để cải thiện sức khỏe, 55% sẵn sàng trả thêm cho các dịch vụ, hoạt động trị liệu về tâm lý.

Tại Việt Nam, dù mới phát triển loại hình du lịch này, nhiều địa chỉ tâm linh cũng đã trở thành điểm đến chữa lành hút hàng ngàn Phật tử và du khách cả trong và ngoài nước. Tại miền Bắc, Yên Tử (Quảng Ninh) hay Fansipan (Lào Cai)… là những điểm đến yêu thích cho các hoạt động thiền, yoga, ẩm thực thực dưỡng… Tại Tây Nguyên, rất nhiều người lựa chọn chữa lành bằng các trải nghiệm ẩm thực "ăn tỉnh thức", cafe du lịch chữa lành, múa cát, hay thiền cát…

Du lịch chữa lành tại Núi Bà Đen, Tây Ninh - Ảnh 2.

Hoạt động thả hoa đăng trên đỉnh núi Bà Đen

Trong khi đó, xuôi về miền Nam bộ, núi Bà Đen là điểm đến tâm linh nổi tiếng đón rất nhiều đoàn Phật tử và du khách thập phương từ các tour du lịch chữa lành. Đến đây, du khách không chỉ hành hương, cầu an tại ngôi chùa cổ 300 năm tuổi thờ Linh Sơn Thánh Mẫu Bồ Tát hay chiêm bái Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn cùng trung tâm triển lãm Phật Giáo độc đáo trên đỉnh núi, mà còn thực hành tụng niệm, thiền định, trì chú để chữa lành thân-tâm-trí và tìm kiếm niềm an lạc.

Đến núi Bà Đen để chữa lành

"Tôi đã có một ngày thật bình an bên người thân để cùng trì niệm, hướng Phật, cùng tận hưởng nguồn năng lượng thanh lành tại núi Bà Đen. Tôi nhớ mãi thời khắc thiêng liêng khi từng người trong đoàn lần lượt đi vòng quanh đĩa nước nơi có trụ kinh khổng lồ khắc những dòng kinh Bát nhã vươn lên trời ngay trên đỉnh núi. Lòng mình cũng từ đó như nảy nở thêm những cảm xúc an lành và đầy yêu thương" – chị Nguyễn Hồng Ngọc (Hà Nội) chia sẻ sau chuyến đi chữa lành tại Tây Ninh.

Du lịch chữa lành tại Núi Bà Đen, Tây Ninh - Ảnh 3.

Phật tử tụng niệm tại đỉnh núi Bà Đen

Theo chị Ngọc, cứ hai ba tháng là hội chị em lại tham gia một tour du lịch đến các miền đất tâm linh để truyền cảm hứng sống vui vẻ tích cực, giải tỏa muộn phiền, tích tụ năng lượng an lành. "Chúng tôi đã từng đi Nepal, núi Inari (Nhật Bản), Bồ Đề Đạo Tràng (Ấn Độ). Còn tại Việt Nam, những ngọn núi cao linh thiêng như Fansipan, Yên Tử, đặc biệt là Bà Đen - đó chính là điểm đến chữa lành kỳ diệu, nơi bạn chỉ đặt chân đến đã cảm thấy được niềm hạnh phúc và an tĩnh trong tâm hồn".

Nằm ở độ cao 986m, núi Bà Đen được mệnh danh là nóc nhà của Nam bộ với lớp lớp mây phủ bồng bềnh trên đỉnh núi cùng cảnh sắc thiên nhiên đẹp như miền tiên cảnh. Đặc biệt trên đỉnh núi là một hệ thống các công trình tâm linh kỳ vĩ, với bức tượng Phật Bà cao nhất châu Á đứng trên tòa sen, trung tâm triển lãm Phật giáo độc đáo và quảng trường rộng lớn nhìn xuống toàn cảnh vùng đồng bằng xanh mướt trù phú.

Du lịch chữa lành tại Núi Bà Đen, Tây Ninh - Ảnh 4.

Tượng phật bà Tây Bổ Đà Sơn (Ảnh: Nguyễn Minh Tú)

Với vẻ đẹp kỳ vĩ và nổi tiếng linh thiêng, đỉnh núi Bà Đen trở thành điểm đến yêu thích cho các trải nghiệm chữa lành như thiền định tại sân thiền ngay dưới chân đại tượng Phật, tụng kinh Bát Nhã trước trụ kinh khắc chữ vàng ngay giữa trung tâm quảng trường, nghe giảng pháp tại trung tâm triển lãm Phật giáo nơi trưng bày 163 bức tượng Phật, trì chú bên bánh xe Kinh Luân, thả đèn hoa đăng bên đĩa nước trung tâm trên đỉnh núi…

Theo bà Đào Thị Việt – Phó Giám đốc Công ty CP Mặt trời Tây Ninh (Sun World Ba Den Mountain): "Từ đầu năm đến nay, núi Bà Đen đã đón đến 3,6 triệu lượt khách, trong đó có rất nhiều đoàn khách đến để thiền định, tụng niệm nhằm cân bằng sức khỏe thân - tâm - trí. Không chỉ có khách Việt Nam, mà rất nhiều đoàn sư thầy và khách từ Thái Lan, Campuchia, thậm chí là Ấn Độ – những đất nước nơi đạo Phật thịnh hành – cũng chọn núi Bà Đen như một điểm đến chữa lành".

Sư thầy Kittiched đến từ đền Chedi Sao Lang, chủ tịch Bunianupap Vipassana Retreat Foundation (Thái Lan), khi dẫn một đoàn nhà sư và phật tử Thái Lan đến chiêm bái núi Bà Đen nói: "Núi Bà Đen là nơi mà không chỉ người Việt Nam, mà bất cứ ai trên thế giới cũng nên đến. Quang cảnh đẹp và rất mát mẻ. Đối với tôi, người đã trải qua Thiền định, tôi có thể cảm nhận rất rõ sự linh thiêng, tâm hồn thanh thản khi đến đây, cảm giác như có thể trút bỏ mọi ưu phiền, đau khổ. Đây thực sự là nơi rất tuyệt vời".

Du lịch chữa lành tại Núi Bà Đen, Tây Ninh - Ảnh 5.

Núi Bà Đen trở thành điểm đến yêu thích cho các trải nghiệm chữa lành

Đối mặt với áp lực của cuộc sống hiện đại, con người thường có xu thế tìm đến những điểm đến bình yên, an lành. Du lịch chữa lành lên ngôi cũng bởi lẽ đó. Và các điểm đến linh thiêng giờ đây không đơn thuần chỉ là điểm tựa về mặt tâm linh, mà còn là nơi để con người cân bằng thân - tâm - trí, kiếm tìm niềm vui hạnh phúc đích thực. Điều đó cũng lý giải vì sao, từ các thành phố của Ấn Độ đến núi Bà Đen (Tây Ninh, Việt Nam) lại thu hút du khách tìm về.

Theo Khánh An (Người lao động)

Tin khác