Khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, tọa lạc số 123/1 Phạm Hữu Lầu, phường 4, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Đây là một công trình có lối kiến trúc độc đáo thể hiện tình cảm của người dân Nam bộ dành cho cụ thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đông đảo du khách đến thăm mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc
Theo như thuyết minh viên tại điểm của khu di tích này cho biết: “Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc sinh năm 1882, tại làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Lúc tuổi còn nhỏ cụ Nguyễn Sinh Sắc là một cậu bé hiền lành, thông minh và đặc biệt rất hiếu học nhưng sớm mồ côi cha mẹ. Sau đó, được nhà nho Hoàng Xuân Đường nhận làm con nuôi và cho học hành tử tế. Lớn lên cụ đi vào Vinh tham dự kỳ thi Hương và đỗ cử nhân.
Tiếp đến, cụ được nhà nho Hoàng Xuân Đường gả con gái của mình là Hoàng Thị Loan làm vợ. Về sau, cụ đỗ Phó bảng năm Thành Thái thứ 16. Tiếp đó, cụ vào Huế làm Tri huyện từ tháng 10/1909 đến tháng 1/1910. Đến năm 1911, cụ vào Sài Gòn rồi sau đó đến năm 1920 cụ trở ra Phan Thiết.
Sau đó, cụ đến Mỹ Tho - Tiền Giang, rồi di chuyển nhiều lần trong tỉnh Long Xuyên - Châu Đốc, trú ngụ tại chùa Giồng Thành - Tân Châu, rồi đến Sa Đéc... Cuối đời cụ sinh sống và làm nghề dạy học, bốc thuốc tại làng Hòa An, Cao Lãnh, Đồng Tháp và mất năm Kỷ Tỵ 26/11/1929, an táng cách thị xã Cao Lãnh non một cây số theo tỉnh lộ 23.
Trong thời kỳ Pháp thuộc, mặc dù giặc theo dõi gắt gao nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân địa phương thường xuyên chăm sóc mộ cụ một cách chu đáo.
Ở thời kỳ chống đế quốc Mỹ, giặc cũng luôn rình rập những người lui tới khu vực này. Trong những dịp lễ lớn, thanh minh, ngày tết... bọn giặc luôn luân phiên canh gác suốt ngày đêm. Nhân dân phải dùng rượu thịt chuốc cho lính canh say để vào qúet dọn mộ cụ và cúng viếng.
Được biết, tháng 8/1975 khu mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc được khởi công xây dựng và khánh thành vào tháng 12/1977. Với diện tích 3,6ha, khu di tích được chia thành ba khu vực chính gồm: Khu lăng mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Nhà sàn Bác Hồ và Ao sen.
Theo thuyết minh viên tại điểm thì phần mộ của cụ được ốp bằng đá hoa cương đưa vào từ tỉnh Quảng Ninh. Ngoài ra, hai bên phần mộ cụ có cây khế gần 300 tuổi và cây sộp hơn 300 tuổi được công nhận là cây Di sản Việt Nam.
Mộ cụ Phó bảng quay về hướng Đông được phủ bằng mái che cách điệu với kiến trúc một cánh sen úp xuống tượng trưng cho vùng đất Đồng Tháp. Đặc biệt, trên mái che hình lá sen này có 9 đường gân và đầu mỗi đường gân là một đầu rồng và 9 đầu rồng, đó mang ý nghĩa là nhân dân Đồng bằng sông Cửu Long lúc nào cũng vun đắp và chở che cho phần mộ của cụ.
Theo baodulich