Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản giao Cục hàng không chủ động thăm dò, khảo sát sơ bộ mức độ quan tâm của các nhà đầu tư đối với việc đầu tư và khai thác Cảng hàng không Côn Đảo theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Trên cơ sở kết quả khảo sát sơ bộ, Cục Hàng không báo cáo Bộ GTVT để trình Thủ tướng xem xét quyết định.
Trường hợp kêu gọi đầu tư PPP không hấp dẫn nhà đầu tư, Cục Hàng không được giao nghiên cứu phương án đầu tư công, theo hướng đồng bộ một lần báo cáo Bộ GTVT. Trong đó, phải tính toán kỹ phương án về độ dài đường cất/hạ cánh, phương án hướng đường cất/hạ cánh, rà soát lại tổng mức đầu tư…
Vẫn chưa chốt được phương án về cách thức đầu tư mở rộng sân bay Côn Đảo, dù mục tiêu khởi công chỉ còn vài tháng.
Trước đó, Bộ GTVT đã phối hợp với cơ quan liên quan, địa phương đưa ra 2 phương án về đầu tư mở rộng sân bay Côn Đảo.
Phương án 1 , kết hợp giữa đầu tư công và đầu tư bằng vốn doanh nghiệp đang khai thác sân bay. Trong đó, phần cải tạo đường cất/hạ cánh, đường lăn sẽ sử dụng vốn ngân sách nhà nước (Cục Hàng không làm chủ đầu tư), với kinh phí khoảng 1.680 tỷ đồng; Phần đầu tư sân đỗ máy bay, nhà ga hành khách, hạ tầng liên quan do Tổng Công ty Cảng hàng không (ACV) làm chủ đầu tư, tổng vốn khoảng 2.400 tỷ đồng; Công trình quản lý bay do Tổng công ty Quản lý bay, tổng mức đầu tư khoảng 170 tỷ đồng. Phương án này, nhận được sự đồng thuận cao của các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp.
Phương án 2, kêu gọi vốn xã hội đầu tư theo phương thức hợp tác công – tư sân bay Côn Đảo. UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã nhận được 2 đề xuất tham gia đầu tư, khai thác sân bay này.
Khi đánh giá về 2 phương án trên, Bộ GTVT cho rằng, nếu đầu tư công (theo phương án 1), hiện đã rõ các quy định, không phải thực hiện thủ tục chọn nhà đầu tư, thủ tục đầu tư cũng được rút ngắn. Nhờ đó, rút ngắn được nhiều thời gian triển khai thủ tục đầu tư khoảng 12 tháng so với kêu gọi đầu tư xã hội.
Nếu đầu tư theo hình thức PPP, sẽ phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch/kế hoạch sử dụng đất quốc phòng; rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan làm cơ sở thực hiện. Bên cạnh đó, tiến độ triển khai dự kiến theo phương án PPP cần tối thiểu 48 tháng, nhà nước vẫn phải góp một phần vốn để đảm bảo tính khả thi cho dự án.
Bộ GTVT dự kiến tháng 6/2023 khởi công dự án mở rộng sân bay Côn Đảo, hoàn thành cuối năm 2024. Khi dự án bắt đầu triển khai sẽ phải tạm đóng cửa sân bay Côn Đảo để phục vụ thi công. Thời hạn trên sắp tới, nhưng tới nay phương án đầu tư ra sao vẫn chưa được quyết định. Với tiến độ hiện nay, dự án này có thể sẽ phải lùi tiến độ.
Dự án nâng cấp sân bay Côn Đảo có tổng mức đầu tư hơn 3.794 tỷ đồng, mục tiêu là kéo dài đường cất/hạ cánh, nâng cấp cơ sở vật chất hiện hữu để đảm bảo khai thác được máy bay A320/321 và tương đương (thay vì chỉ phục vụ máy bay ATR72 như hiện nay).
Thời gian này sân bay Côn Đảo sẽ phải tạm đóng cửa. Sau khi nâng cấp, sân bay Côn Đảo sẽ đón được máy bay thân hẹp A320/321 và tương đương, thay vì chỉ phục vụ máy bay ATR72 như hiện nay; nâng công suất nhà ga hành khách lên 2 triệu khách/năm (gấp đôi hiện nay).
Hiện sân bay Côn Đảo do ACV quản lý, khai thác. Sân bay có 1 đường cất/hạ cánh, chỉ khai thác được máy bay ATR72 và tương đương; với 4 vị trí đỗ máy bay, nhà ga hành khách phục vụ tối đa 400.000 lượt khách/năm.
Dự kiến, sau khi triển khai nâng cấp sân bay Côn Đảo, sân bay phải tạm đóng cửa, người dân sẽ chỉ còn 2 lựa chọn để ra đảo , là bằng tàu từ bờ ra đảo, hoặc đi máy bay trực thăng.