Bình Thuận: Thì ra thanh long làm rượu vang, nước ép, sấy dẻo lại "hot" như vậy

Thứ Tư, 12/08/2020 14:07
Trong khi việc xuất khẩu trái tươi bị ách tắc khiến giá cả bấp bênh thì rượu vang thanh long, thanh long sấy, snack thanh long… đang là những sản phẩm “hot”, tiêu thụ tốt cả trong nước và xuất khẩu.

Do đó, thay vì chạy theo số lượng, tăng diện tích sản xuất rồi hái trái tươi bán sang Trung Quốc với giá cả bấp bênh, nhiều nhà vườn trồng thanh long hiện đang đầu tư vào chế biến sâu, giúp loại trái cây này tăng thêm giá trị kinh tế.

Dù đã vào cuối vụ, lượng trái không còn nhiều nhưng giá thanh long tươi những ngày qua rớt xuống mức rất thấp. Tại Bình Thuận, thanh long xuất khẩu loại 1, trọng lượng trên 500gr/quả được các thương lái thu mua với giá 3.500 đồng/ký. Loại nhỏ hơn có giá 1.000 đồng/ký. Số còn lại thuộc loại hàng dạt, giá chỉ có 200 – 300 đồng/ký. Với giá này, chỉ tính riêng tiền phân, thuốc… thì vốn đầu tư vào vườn thanh long cũng đã thâm hụt.

Chế biến sâu giúp thanh long Bình Thuận “quẳng gánh lo” rớt giá - Ảnh 1.

Giá cuối vụ rớt thảm, thanh long Bình Thuận chín đầy vườn

Chị Huỳnh Thị Mỹ (ngụ huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) tính, sau 3 tháng đầu tư chăm sóc, nếu thanh long ruột trắng được mua với giá 7.000 đồng/ký và thanh long ruột đỏ có giá khoảng 9.000 đồng/ký, thì nhà vườn  mới có lời. Thấp hơn mức này, nhà nông coi như làm vườn không công.

Chị Mỹ kể, nhà chị có hơn 700 trụ thanh long ruột trắng. Mùa vụ năm nay được đầu tư khá kỹ lưỡng nên cho thu về hơn 2 tấn trái. Thế nhưng, giá xuống thấp nên mức lợi nhuận thu về không đáng bao nhiêu.

"Dịch bệnh xảy ra nên thanh long không xuất khẩu được, bán tươi trong nước thì không được bao nhiêu nên phải treo trái trên cành, hoặc lặt bỏ trái xanh để dưỡng cành, chuẩn bị cho vụ sau. Càng đầu tư càng lỗ", chị Mỹ than thở.

Chế biến sâu giúp thanh long Bình Thuận “quẳng gánh lo” rớt giá - Ảnh 2.

Thanh long chính phải treo trái trên cành, hoặc lặt bỏ trái xanh để dưỡng cành, chuẩn bị cho vụ sau

Để giải quyết tình trạng này, nhiều hộ trồng thanh long quyết tâm đầu tư vào chế biến sâu, hy vọng nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương này.

Bà Lê Nguyện – Giám đốc HTX Thanh long Hàm Đức (huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) chia sẻ, ban đầu, mục tiêu của đơn vị này là sản xuất ra rượu vang thanh long, phục vụ cho khách du lịch đến với địa phương.

Thế nhưng, sau 5 năm phát triển, đến nay, rượu vang thanh long của HTX Thanh long Hàm Đức đã có mặt tại nhiều thành phố lớn trên cả nước như TP.HCM, Đà Nẵng… Đặc biệt, mới đây, HTX Thanh Long Hàm Đức đã đã ký kết thành công hợp đồng độc quyền phân phối sản phẩm này tại Trung Quốc.

Chế biến sâu giúp thanh long Bình Thuận “quẳng gánh lo” rớt giá - Ảnh 3.

Cứ 10 kg thanh long tươi sẽ làm ra được 3 lít rượu vang

"Chúng tôi đang nhanh chóng phát triển sản xuất, mở rộng nhà xưởng và trang thiết bị, tăng nhập hàng để phục vụ các đơn hàng xuất khẩu", bà Nguyện thông tin.

Cứ 10 kg thanh long tươi sẽ làm ra được 3 lít rượu vang. Với lượng đơn hàng như hiện nay, nông dân trồng thanh long liên kết với HTX Hàm Đức không lo việc mua bán chụp giật, giá cả bấp bênh hay việc phải đổ đống thanh long vì không có chỗ bán.

Hay như tại trang trại Kim Hải (huyện Hàm Thuận Nam), với 80 ha thanh long sản xuất theo GlobalGAP từ năm 2010 đến nay, bên cạnh việc xuất khẩu trái cây tươi, trang trại này đã từng bước thành công trong việc nghiên cứu, phát triển các sản phẩm chế biến sâu từ trái thanh long.

Chế biến sâu giúp thanh long Bình Thuận “quẳng gánh lo” rớt giá - Ảnh 4.

Sản phẩm rượu vang làm từ trái thanh long

Hiện, các sản phẩm nước ép thanh long, thanh long sấy dẻo, và snack thanh long của trang trại này cũng đã hiện diện ở một số thị trường như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan.

Ông Đoàn Trọng Hiền – Đại diện Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Kim Hải, phân tích, lợi thế của trang trại là có nguồn trái cây sạch, đảm bảo ổn định về chất lượng, số lượng. Do đó, khi đầu tư chế biến sâu sẽ cho ra sản phẩm có chất lượng tốt, lại ổn định.

Trang trại còn đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời, tận dụng sức nóng tự nhiên tại vùng đất Bình Thuận nên giảm được chi phí sản xuất. "Ngoài thời gian chăm sóc vườn thanh long, việc đầu tư vào chế biến sâu cũng giúp lao động địa phương có thêm việc làm", ông Hiền phân tích thêm.

Chế biến sâu giúp thanh long Bình Thuận “quẳng gánh lo” rớt giá - Ảnh 5.

Chế biến nước ép thanh long

Theo ông Nguyễn Đức Trí - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, với hơn 30.000ha đất trồng thanh long, cho ra khoảng 60.000 tấn trái mỗi năm như hiện nay, nếu không đầu tư tìm hướng tiêu thụ bền vững, nông dân địa phương này sẽ còn đối mặt với khó khăn lâu dài. Chỉ cần một chút biến động ở thị trường chính là Trung Quốc, giá cả sẽ bị tác động.

Hiện Bình Thuận có hơn 10 doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, chế biến các sản phẩm thực phẩm làm từ thanh long như sấy khô, sấy dẻo, nước ép, siro, rượu vang…

Chế biến sâu giúp thanh long Bình Thuận “quẳng gánh lo” rớt giá - Ảnh 6.

Bình Thuận hiện có hơn 10 doanh nghiệp tham gia chế biến sản phẩm từ thanh long

Theo đánh giá của Sở Công Thương Bình Thuận, đây là hướng đi đúng. Tuy nhiên, đa số các HTX, doanh nghiệp này đều có quy mô nhỏ, công suất còn thấp, công nghệ chế biến chưa hiện đại nên hiệu quả kinh tế đem lại vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.

Để hỗ trợ nghiên cứu và đầu tư chế biến thành sản phẩm công nghiệp, Sở Công Thương Bình Thuận đang tiếp tục mời gọi các tổng công ty lớn trong cả nước đến Bình Thuận liên kết với các doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại và nâng quy mô sản xuất đáp ứng nhu cầu của thị trường.

"Việc đa dạng các sản phẩm từ thanh long được xem là hướng đi đúng để phát triển thương hiệu và tạo nên sức cạnh tranh cho thanh long Bình Thuận", ông Nguyễn Đức Trí chia sẻ.

Theo Dân Việt

Tin khác