Khảo sát chi phí sinh hoạt toàn cầu năm 2020 của Cơ quan tình báo kinh tế (EIU) tiết lộ vị trí hàng đầu của bảng xếp hạng hiện thuộc về Osaka (Nhật Bản), Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore.
New York theo sát phía sau ở vị trí thứ tư. Cuộc khảo sát 2 năm một lần cho thấy Paris (Pháp) tụt xuống vị trí thứ 5, cùng thứ hạng với Zurich (Thụy Sĩ). Ngược lại, Osaka đã leo 3 bậc lên vị trí đầu bảng xếp hạng, trong khi Tokyo tăng năm bậc lên vị trí thứ 8, thứ hạng tăng vọt của 2 thành phố Nhật Bản này đều nhờ vào sự tăng giá của đồng tiền yên.
|
Osaka (Nhật Bản) trở thành thành phố đắt đỏ nhất thế giới để sinh sống cùng với Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore. Ảnh: Shutterstock. |
Trong 37 thành phố châu Âu được khảo sát, 31 cái tên đã tụt hạng. Nguyên nhân được đưa ra là do nhu cầu nội địa khiêm tốn và giá năng lượng toàn cầu yếu khiến áp lực lạm phát giảm xuống khắp châu Âu trong năm qua. Hiện tại, top 10 thành phố đắt đỏ nhất thế giới chỉ có 3 cái tên thuộc châu Âu (Paris, Zurich và Geneva), so với 7 thành phố vào năm 2010.
Geneva (Thụy Sĩ) là thành viên quen thuộc của top 10 thành phố đắt đỏ hàng đầu nhưng đã giảm từ vị trí thứ 5 xuống thứ 10 trong năm nay. Copenhagen (Đan Mạch) cũng không còn được liệt kê trong top 10. Tuy nhiên, Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) là thành phố có vị trí tăng nhiều nhất trong bảng xếp hạng, tăng 24 hạng lên vị trí thứ 96.
Trong khi đó, các thành phố của Mỹ chứng kiến chi phí sinh hoạt cao hơn do sức mạnh của đồng USD, với 15 trong số 16 thành phố tăng thứ hạng trong danh sách.
Cuộc khảo sát cho thấy chi phí sinh hoạt đã giảm trung bình khoảng 4% trên 133 thành phố được khảo sát. EIU cho rằng khoản tiền này phản ánh tác động toàn cầu của việc nới lỏng chính sách tiền tệ, sự không chắc chắn xung quanh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và sức mạnh của nền kinh tế Mỹ.
Cuộc khảo sát được tổng hợp vào tháng 11/2019 trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Dịch bệnh có thể có tác động đến các kết quả tiếp theo.