Ngay từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/1/2023 về việc đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Qúy Mão. Trong đó có yêu cầu tăng cường thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lễ hội và đặc biệt là không tổ chức du Xuân, liên hoan, chúc Tết làm ảnh hưởng đến thời gian và hiệu quả làm việc. Vấn đề này đầu Xuân năm nào cũng được lãnh đạo Chính phủ yêu cầu phải thực hiện nghiêm túc.
Các bộ, ngành, chính quyền các cấp cũng đã chỉ đạo, triển khai kịp thời, đồng bộ, từng bước tạo chuyển biến tích cực trong việc tổ chức lễ hội. Tuy nhiên, việc bảo đảm an toàn, an ninh trật tự tại các di tích và tổ chức lễ hội, nhất là những lễ hội có quy mô lớn còn bộc lộ những bất cập. Bên cạnh đó, có những lễ hội tổ chức phô trương, lãng phí, không phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc ta cần có những biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời.
Về vấn đề này, TS. Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ.
Bà đánh giá như thế nào khi ngay từ đầu năm Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu phải tăng cường thực hiện chức năng quản lý lễ hội, thưa bà?
TS. Lê Thị Minh Lý: Tôi nghĩ rằng Thủ tướng Chính phủ chỉ thị vấn đề này là rất cần thiết. Bởi vì, theo tôi đó là một tồn tại không đáng có khi mà chúng ta đang phấn đấu trở thành một quốc gia phát triển bền vững.
Đồng thời, nếp sống hiện đại, văn hóa và văn minh đòi hỏi cần phải tự giác thực hiện từ mỗi cá nhân đến từng tổ chức.
Lễ hội dân gian - một loại hình di sản văn hóa phi vật thể làm nên sự đa dạng văn hóa và không thể thiếu trong đời sống nhân dân cần phải được bảo tồn bằng nhiều hình thức và biện pháp, theo bà, công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các lễ hội dân gian hiện nay được thực hiện như thế nào?
TS. Lê Thị Minh Lý: Lễ hội dân gian do người dân, cộng đồng sáng tạo ra trong lịch sử và được trao truyền, duy trì đến ngày nay. Đó cũng là tập quán xã hội gắn với đời sống của cộng đồng là những di sản văn hóa phi vật thể gắn với môi trường sống và những địa điểm liên quan như đình, đến, chùa, miếu.
Hiện nay, về cơ bản cộng đồng có nhận thức rất tốt về bảo vệ di sản, công tác quản lý văn hoá của các địa phương là cơ sở quan trọng trong việc định hướng hỗ trợ cộng đồng bảo vệ di tích và thực hành lễ hội một cách bài bản. Qua đó, vừa giữ được những giá trị văn hóa cốt lõi vừa giữ được di sản và lại thích hợp với cuộc sống hiện đại.
Người dân cũng nhận ra rằng, hội làng, hội vùng là những địa điểm ký ức, là nơi mỗi người, mọi người muốn về để gặp gỡ để chia sẻ và bày tỏ niềm tin, sự mong ước vào cuộc sống tốt đẹp hơn.
Không chỉ những dịp lễ hội, mà các di sản còn được các bảo tàng và trường học tích hợp vào nội dung giảng dạy, trải nghiệm cho các em học sinh.
Bên cạnh đó, hội làng và những giá trị lịch sử văn hóa trở thành niềm tự hào của người dân địa phương nói chung và của Việt Nam nói riêng.
Hiện nay đang có xu hướng đua nhau nâng cấp lễ hội bằng cách tùy tiện thêm vào các thành tố xa lạ với lễ hội hay tập quán của cộng đồng, vừa tốn kém, vừa làm giảm giá trị chân thực, thậm chí làm biến dạng lễ hội. Bà có ý kiến như thế nào về vấn đề này, thưa bà?
TS. Lê Thị Minh Lý: Đó là vì những người chủ trương tổ chức việc đó không nhận thức đầy đủ về những giá trị của văn hoá. Bản sắc văn hóa đâu cần phải là to tát, phải nâng cấp.
Bản sắc là những giá trị nội tại mà qua đó người ta nhận thấy sự cố kết, gắn bó của cộng đồng thực hành lễ hội đó. Càng thêm vào theo kiểu đó để cho hoành tráng, thu hút khách thập phương thì càng mờ nhạt và mất bản sắc.
Theo bà, làm thế nào để hạn chế những bất cập trong việc quản lý và tổ chức lễ hội hiện nay?
TS. Lê Thị Minh Lý: Cơ quan quản lý văn hóa cần thường xuyên đánh giá và cùng làm việc với chính quyền địa phương để nắm bắt tình hình, kịp thời hướng dẫn thực hành lễ hội. Khuyến nghị là không nên nâng cấp, nâng tầm.
Nâng cấp để làm gì và tại sao phải nâng tầm? Lễ hội dân gian là sáng tạo văn hóa của cộng đồng. Hãy để người dân quyết định những tập quán xã hội của họ trong đó có lễ hội.
Xin trân trọng cảm ơn bà!